1. Thị trường Phân bón hữu cơ
Phân bón hữu cơ bao gồm hai nhóm: phân bón hữu cơ truyền thống và phân bón hữu cơ công nghiệp.
Phân bón hữu cơ truyền thống là loại phân bón có nguồn gốc từ chất thải của động vật hoặc phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm thủy sản, phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống. Trong nhóm này có thể chia thành 5 nhóm nhỏ là: phân chuồng, phân rác, than bùn, phân xanhvà phân hữu cơ khác.
Phân bón hữu cơ công nghiệp là loại phân bón được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành phân bón tốt hơn so với nguyên liệu thô ban đầu. Hiện nay, phân bón hữu cơ công nghiệp chia thành các loại sau: phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ vi sinh.
a) Xuất khẩu phân bón hữu cơ
Giai đoạn 2015-2017, Việt Nam xuất khẩu phân bón hữu cơ đến 34 quốc gia khác nhau với khối lượng tăng mạnh trong hai năm 2016 và 2017. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu năm 2017 xấp xỉ 76.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với năm 2015 (12.000 tấn).
Về doanh nghiệp xuất khẩu: Năm 2015 mới chỉ có 02 doanh nghiệp xuất khẩu phân bón hữu cơ, năm 2016 là 12 doanh nghiệp, đến năm 2017 đã có 19 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phân bón hữu cơ, chủ yếu là Công ty Cổ phần hữu hạn VEDAN Việt Nam (gần 68.000 tấn), Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (xấp xỉ 3.900 tấn), Công ty Cổ phần Sê Công (trên 2.000 tấn) còn lại là các doanh nghiệp khác xuất khẩu từ 7-504 tấn.
Về chủng loại: Năm 2015 có 17 sản phẩm phân bón hữu cơ được xuất khẩu, năm 2016 tăng lên 56 sản phẩm và năm 2017 đã có tổng cộng 75 sản phẩm phân bón hữu cơ được xuất khẩu ra nước ngoài. Trong số đó, chủ yếu là phân bón hữu cơ (42 sản phẩm với khối lượng xấp xỉ 60.000 tấn), phân bón hữu cơ khoáng (20 sản phẩm với khối lượng trên 9.500 tấn), phân bón hữu cơ vi sinh (11 sản phẩm với khối lượng xấp xỉ 6.500 tấn) và một lượng ít phân bón khoáng hữu cơ.
b) Nhập khẩu phân bón hữu cơ
Khối lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu trong 3 năm gần đây đều đã tăng đáng kể. Cụ thể, khối lượng nhập khẩu năm 2017 là khoảng 220.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016 (xấp xỉ 102.000 tấn).
Trong số đó, phải kể đến phân bón vi sinh vật, khối lượng nhập khẩu năm 2017 (617 tấn) tăng gần5 lần so với năm 2015 (126 tấn) và tăng gần 2 lần so với 2016 (319 tấn). Khối lượng nhập khẩu phân bón hữu cơ sinh học năm 2017 (xấp xỉ 117.000 tấn) tăng gần 8 lần so với năm 2016 (xấp xỉ 15.000 tấn). Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu phân bón hữu cơ cải tạo đất với khối lượng 105 tấn.
2. Thị trường phân bón vô cơ
Phân Urea, hiện tại năng lực trong nước đến thời điểm hiện tại là 2,340 triệu tấn/năm, bao gồm Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn, Đạm Cà Mau 800.000 tấn, Đạm Hà Bắc 180.000 tấn, Đạm Ninh Bình 560.000 tấn. Dự kiến cuối năm 2014, Đạm Hà Bắc nâng công suất từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm, cả nước sẽ có 2,660 triệu tấn/năm. Như vậy, về Urea đến nay, sản xuất trong nước không những phục vụ đủ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn có lượng để xuất khẩu.
Phân DAP, hiện sản xuất trong nước tại nhà máy DAP Đình Vũ 330.000 tấn/năm, đến hết 2015 có thêm nhà máy DAP Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm và theo kế hoạch của Thủ tướng từ nay đến hết năm 2015 sẽ có thêm một nhà máy DAP nữa hoặc nâng công suất hiện có của DAP Đình Vũ lên thêm 330.000 tấn/năm. Như vậy sau 2015 sản xuất trong nước có thể đạt tới gần 1 triệu tấn DAP/năm, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Hiện tại từ nay đến hết năm 2014, chúng ta vẫn phải nhập khẩu DAP thêm từ 500.000 – 600.000 tấn/năm.
Phân Lân: Hiện tại Supe Lân sản xuất trong nước có công suất 1,2 triệu tấn/năm, bao gồm nhà máy Lâm Thao công suất 800.000 tấn/năm, Lào Cai 200.000 tấn/năm và Long Thành 200.000 tấn/năm.
Sản xuất Lân nung chảy hiện tại vào khoảng 600.000 tấn/năm bao gồm nhà máy Văn Điển và nhà máy Ninh Bình. Dự kiến tương lai sẽ có thêm khoảng 500.000 tấn/năm của 3 nhà máy mới ( Lào Cai, Thanh Hóa,…).
Như vậy sản xuất phân Lân trong nước cũng đáp ứng được về cơ bản cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.
Phân NPK: Hiện cả nước có tới cả trăm đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp NPK các loại. Về thiết bị và công nghệ sản xuất cũng có nhiều dạng khác nhau, từ công nghệ cuốc xẻng đảo trộn theo phương thức thủ công bình thường đến các nhà máy có thiết bị và công nghệ tiên tiến. Về quy mô sản xuất tại các đơn vị cũng khác nhau từ vài trăm tấn/năm tới vài trăm ngàn tấn/năm và tổng công suất vào khoảng trtên 3,7 triệu tấn/năm. Nói chung là sản xuất NPK ở Việt Nam vô cùng phong phú cả về thiết bị, công nghệ đến công suất nhà máy. Chính điều này đã dẫn tới sản phẩm NPK ở Việt Nam rất nhiều loại khác nhau cả về chất lượng, số lượng đến hình thức bao gói.
Phân Kali: Hiện trong nước chưa sản xuất được do nước ta không có mỏ quặng Kali, vì vậy 100% nhu cầu của nước ta phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Phân SA: Hiện tại nước ta chưa có nhà máy nào sản xuất SA và nhu cầu của nước ta vẫn phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài.
a)Nhập khẩu
Theo số liệu thống kê thì nhập khẩu 8 thàng đầu năm 2013 ở nước ta vào khoảng gần 3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó DAP gần 550.000 tấn, Kali trên 560.000 tấn, SA khoảng 750.000 tấn, Urea 420.000 tấn, NPK 350.000 tấn.
Về DAP, so với nhu cầu về cơ bản chúng ta đã nhập khẩu đủ cho lượng dùng của cả năm ( SX trong nước 330.000 tấn, nhu cầu cả nước vào khoảng 900.000 tấn/năm). Hiện tại giá DAP Quốc tế đang có xu hướng giảm, nếu các doanh nghiệp không có giải pháp tốt, một lượng DAP giá thấp hơn sẽ tiếp tục chảy về Việt Nam gây thua lỗ cho các doanh nghiệp đã nhập khẩu chờ cung ứng.
Về Kali, nhập khẩu còn thiếu so với nhu cầu vào khoảng 400.000 tấn cho năm 2013. Tuy nhiên, hiện tại thị trường Kali trên thế giới đang có nhiều biến động và rất có khả năng gây biến động cho thị trường trong nước cả về mặt giá cả lẫn lượng hàng nhập khẩu vào các tháng cuối của năm 2013, đầu năm 2014.
Riêng về SA, lượng nhập khẩu từ đầu năm tới nay là khá lớn (750.000/ nhu cầu 850.000 tấn). Do mất cân đối về cung cầu SA trên thế giới nên từ quý II năm nay đến giờ, giá SA Quốc tế liên tục giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tranh thủ nhập “cứ lô sau giá thấp hơn gỡ cho lô trước giá cao…” đã dẫn tới lượng nhập về cho năm nay là quá nhiều, tính đến thời điểm hiện nay. Kết quả của việc nhập khẩu SA từ đầu năn đến nay của các doanh nghiệp là thua lỗ và hiện tại giá SA Quốc tế vẫn chưa khẳng định được là đã dừng lại. Đây cũng là một bài học cho việc cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam về giá cả trong bối cảnh thị trường Quốc tế có chiều hướng đi xuống.
Về Urea, mặc dù lượng sản xuất trong nước không thiếu nhưng do để giá chênh lệch quá lớn giữa Urea sản xuất trong nước và Urea nhập khẩu dẫn tới một lượng khá lớn (420.000 tấn) Urea ngoại được nhập vào Việt nam. Giá thành Urea sản xuất trong nước không biết cao hơn giá Urea nước ngoài sản xuất không, chất lượng không biết cao hơn cỡ nào nhưng giá bán Urea trong nước thời gian qua cao hơn giá Urea ngoại chừng 1,2 – 2 triệu đồng/tấn (60 -100 usd/mt). Đây cũng là một nghịch lý cần phải xem xét đê thị trường phân bón được lành mạnh và người nông dân thực sự có chi phí hợp lý cho giá thành sản phẩm của họ trong sản xuất nông nghiệp.
Về NPK, lượng nhập khẩu năm nay đến thời điểm này (350.000 tấn) là khá cao. Hầu hết các loại NPK nhập vào Việt Nam có công thức 16-16-8-13S, 15-15-15, 20-20-0… Do nước ngoài triển khai kênh bán độc quyền và tâm lý sính ngoại của một bộ phận nông dân nên mặc dù chất lượng, hàm lượng hữu hiệu của các loại phân bón này không hơn chất lượng các sản phẩm NPK trong nước nhưng vẫn bán được với giá cao hơn hẳn hàng cùng loại sản xuất trong nước. Hiện tại nguồn NPK sản xuất trong nước khá dồi dào, nhập khẩu NPK ngoại lại tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ… điều này chỉ ra rằng công tác tuyên truyền sản phẩm NPK trong nước, công tác khuyến nông … của chúng ta chưa tốt dẫn tới chi phí SXNN của một bộ phận bà con nông dân bị cao trong khi giá nông sản năm 2013 là chưa cao.
Xem đầy đủ bài viết tại đây
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét