Phân Kali

1. Khái niệm về phân Kali

Phân Kali : là nhóm phân bón cung cấp chất dinh dưỡng kali cho cây. Tính chất chung của nhóm phân kali: dễ hoà tan trong nước, đều là phân chua sinh lý, hệ số sử dụng dinh dưỡng cao (60 – 70%)...
- Phân kali cung cấp cho cây trồng nguyên tố kali dưới dạng ion K+.
- Độ dinh dưỡng của phân K được đánh gái theo tỉ lệ % khối lượng K2O tương ứng với lượng K có trong thành phần của nó.

Khác với đạm và lân, tỷ lệ kali trong thân, lá cao hơn tỷ lệ kali trong hạt.

Tỷ lệ K2O trong thân lá lúa biến động trong khoảng 0,60 - 1,50% trong khi tỷ lệ K2O trong hạt gạo biến động trong khoảng 0,30 - 0,45%. Tỷ lệ K2O trong lá cây thuốc lá đặc biệt cao, đến 4,5 - 5,0%, theo chất khô.



2. Vai trò của kali

- Kali làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với các tác động không lợi từ bên ngoài và chống chịu đối với một số loại bệnh.

- Kali tạo cho cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét. Kali làm tăng phẩm chất nông sản và góp phần làm tăng năng suất của cây.

- Kali làm tăng hàm lượng đường trong quả làm cho màu sắc quả đẹp tươi, làm cho hương vị quả thơm và làm tăng khả năng bảo quản của quả.

- Kali làm tăng chất bột trong củ khoai, làm tăng hàm lượng đường trong mía. Trên phương diện khối lượng, cây trồng cần nhiều K hơn N. Nhưng vì trong đất có tương đối nhiều K hơn N và P, cho nên người ta ít chú ý đến việc bón K cho cây. Trong cây K được dự trữ nhiều ở thân lá, rơm rạ, cho nên sau khi thu hoạch kali được trả lại cho đất một lượng lớn.

- Kali có nhiều trong nước ngầm, nước tưới, trong đất phù sa được bồi hàng năm. Vì vậy, việc bón phân kali cho cây không được chú ý đến nhiều. Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp càng ngày người ta càng sử dụng nhiều giống cây trồng có năng suất cao. Những giống cây trồng này thường hút nhiều K từ đất, do đó lượng K trong đất không đủ đáp ứng nhu cầu của cây, vì vậy muốn có năng suất cao và chất lượng nông sản tốt, thì phải chú ý bón phân kali cho cây.

- Các loại cây có phản ứng tích cực với phân kali là: chè, mía, thuốc lá, dừa, chuối, khoai, sắn, bông, đay, v.v

- Thiếu kali việc chuyển vận đường được hình thành qua quá trình quang hợp ở lá về các cơ quan dự trữ gặp khó khăn.

- Kali hạn chế tác hại của việc bón thừa đạm.

- Kali xúc tiến quá trình quang hợp, tạo đường bột và vận chuyển đường bột về cơ qua dự trữ nên cây lấy đường, cây ăn củ, ăn quả cần được cung cấp nhiều kali.

3. Kỹ thuật sử dụng phân kali

Để sử dụng hợp lý phân kali cần chú ý đến những điều sau đây:

- Bón kali ở các loại đất trung tính dễ làm cho đất trở nên chua. Vì vậy ở các loại đất trung tính nên kịp thời bón thêm vôi.

- Kali nên bón kết hợp với các loại phân khác.

- Kali có thể bón thúc bằng cách phun dung dịch lên lá vào các thời gian cây kết hoa, làm củ, tạo sợi.

- Có thể bón tro bếp để thay thế phân kali.

- Bón quá nhiều kali có thể gây tác động xấu lên rễ cây, làm cây teo rễ. Nếu bón quá thừa phân kali trong nhiều năm, có thể làm cho mất cân đối với natri, magiê. Khi xảy ra trường hợp này cần bón bổ sung các nguyên tố vi lượng magiê, natri.

3.1. Nhu cầu bón phân kali phụ thuộc vào nhiều yếu tố

- Đất đai: Đất có thành phần cơ giới, hàm lượng kali trao đổi, độ chua, độ ẩm khác nhau có nhu cầu bón phân kali khác nhau.

- Loại cây trồng: các loại cây trồng khác nhau, mức năng suất kế hoạch của cây (do ở các mức năng suất khác nhau cây có nhu cầu kali khác nhau) và chất lượng sản phẩm khác nhau thì cũng có nhu cầu về kali là không giống nhau.

- Sự đối kháng giữa Ca2+ và K+: nên bón tăng kali cho cây trồng khi bón vôi hay trồng cây trên đất có phản ứng gần trung tính.

- Rơm rạ ngũ cốc, phân chuồng, tro bếp đều giàu kali và đều chứa kali dưới dạng dễ tiêu đối với cây trồng không kém phân kali hóa học, nên khi sử dụng các phần trên cần giảm tương ứng lượng phân kali hoá học cần bón cho cây trồng.

3.2. Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu lực của phân kali bón cho cây trồng

- Hiệu lực phân kali phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Loại đất và thành phần cơ giới đất, hàm lượng kali trao đổi có trong đất, nhu cầu kali của cây và cả mức độ thâm canh tăng vụ, lượng mưa, nhiệt độ, mức độ sử dụng phân đạm và lân, dạng phân kali sử dụng và phương pháp bón.

- Hiệu lực phân kali thường thể hiện rõ trên cây trồng trong điều kiện khô hạn, nhiệt độ thấp, trình độ thâm canh tăng vụ cao, đất nghèo kali (đất cát, đất xám bạc màu...).

- Hiệu lực phân K đạt cao nhất khi phân được sử dụng cân đối với N và P. Nếu đất quá chua, mà không có bón vôi, thì bón đơn thuần phân kali có thể lại làm giảm năng suất so với đối chứng không bón.

Bón phân K đơn lẻ chỉ trong những trường hợp đặc biệt (chống rét, chống lốp đồ, chống sâu bệnh hại...) hay bón cho cây trồng trên đất đã giàu đạm và lân.

3.3. Có thể bón kali cải tạo và bón duy trì

- Bón cải tạo: Khi đất nghèo kali có thể bón phân cải tạo với lượng gấp 2 lần lượng bón duy trì vì K+ được đất hấp thu mạnh và có thể tích luỹ trong đất cho các vụ sau.

- Khi bón phân kali cải tạo nên chọn cây trồng có nhu cầu kali cao trong luân canh để bón phân.
Tuy nhiên: Ở cây trồng có hiện tượng tiêu thụ hoang phí K và tính đối kháng mạnh giữa K+ và nhiều chất dinh dưỡng khác, do vậy không nên bón lượng phân kali quá lớn để cải tạo đất mà cần chia ra làm nhiều vụ. Trên đất có độ bão hoà bazơ thấp và thiếu Mg, không nên bón phân kali cải tạo.

- Bón duy trì: Trên đất có hàm lượng kali trao đổi từ trung bình đến giàu, hàng năm cần bón một lượng phân kali duy trì bằng hoặc lớn hơn lượng kali mà cây lấy đi theo sản phẩm thu hoạch vì cần đảm bảo cho đất có dự trữ K dễ huy động.

3.4. Phương pháp bón phân kali

- Bón lót: Đây là phương pháp bón phân chủ yếu đối với các loại phân kali do kali ít bị rửa trôi nên nếu bón thúc, kali chỉ tập trung trên lớp đất mặt. Tuy nhiên chúng ta nên bón lót sớm (đặc biệt với KCl nên bón trước 3 – 4 tuần) kết hợp với quá trình làm đất, phân cần được vùi sâu và trộn đều vào đất.

- Bón thúc: phân kali chỉ nên bón thúc khi cây trồng có rễ ăn nông; cây có thời gian sinh trưởng dài; cây trồng trên đất có thành phần cơ giới nhẹ; cây có nhu cầu kali cao.

Vì vậy, đất nhẹ nên bón kali nhiều lần (do kali dễ bị rửa trôi), đất bạc màu nên kết hợp bón lót và bón thúc phân kali.

3.5. Các đối tượng cần ưu tiên bón phân kali

- Cây có nhu cầu K cao như: Khoai tây, mía, thuốc lá, hướng dương, củ cải đường, các loại rau, dưa chuột, đu đủ, chuối, cây trồng để lấy củ, lấy bột, đường, sợi...cây trồng thâm canh cao.

- Cần quan tâm bón phân kali cho cây khi có yêu cầu cao về chất lượng, cho những cây trồng mẫn cảm với bệnh vi khuẩn, nấm, cây trồng có điều kiện khô hạn, rét, thiếu ánh sáng.

3.6. Chọn dạng phân kali bón phù hợp với cây trồng

- Tuỳ theo đặc điểm của cây trồng mà chúng ta cần phải cân nhắc trường hợp nào có thể bón KCl, trường hợp nào nhất thiết phải bón K2SO4 để không ảnh hưởng đến năng suất phẩm chất nông sản. Cần tránh bón KCl cho các cây mẫn cảm xấu với clo (thuốc lá, cây lấy tinh dầu, cam, quýt, nho nhiều loại rau) để không ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất nông sản.

- Kết quả nghiên cứu về sử dụng phân kali có chứa clo cho cây trồng cho thấy, có thể chia cây trồng thành 5 nhóm:

+ Nhóm cây trồng rất mẫn cảm và phản ứng xấu với clo như: thuốc lá, cây lấy tinh dầu, cam quýt, nho...nhóm cây này cần bón những loại phân kali không có clo.

+ Nhóm cây mẫn cảm xấu với clo ở nồng độ cao như: Khoai tây, cây họ đậu...nên bón những loại phân không có clo hay sử dụng hạn chế những loại phân có chứa clo.

+ Nhóm chịu đựng được clo ở nồng độ trung bình như tất cả các loịa cây ăn hạt và đồng cỏ.

+ Nhóm cây có thể bón những lượng KCl cao như: Bông, đay, lanh, dưa chuột...

+ Nhóm cây thích hợp nhất với clo và có chứa một ít Na như: củ cải đường, củ cải rau, các loại cây lấy củ làm thức ăn gia súc.

- Nhiều loại cây phản ứng tốt với Na+ và Cl- (nhất là các loại rau củ), cho nên trong trường hợp đó, bón phân kali kèm theo một ít Na+ và Cl- là có lợi.

- Trong hoàn cảnh buộc phải sử dụng phân có chứa clo cho cây trồng mẫn cảm xấu, có thể khắc phục bằng phương pháp: bón hạn chế phân có chứa clo, chỉ dùng phân này để bót lót sớm, phối với phân kali không chứa clo để bón thúc.

- Bón phân kali chỉ có hiệu lực đầy đủ khi nào đất đã có đầy đủ những yếu tố dinh dưỡng khác (chủ yếu là đạm, lân và vôi).

3.7. Cần quan tâm bón vôi và các chất dinh dưỡng đối kháng với kali khi sử dụng phân kali

Ở đất chua, việc bón phân kali gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến cây và vi sinh vật có ích trong đất, bón phân kali nhiều và liên tục làm đất mất vôi, hoá chua, rất cần phải bón vôi trước cho đất, rồi bón phân kali.

Giữa K và Bo, Mg có tính đối kháng cho nên khi bón nhiều và bón liên tục phân K cần chú ý bón bổ sung phân có chứa Mg và Bo cho cây trồng và đất.



Xem đầy đủ bài viết tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét